Lễ hội truyền thống Lễ hội truyền thống

 

Phường Hàng Bồ có 7 điểm di tích bao gồm:

1.ĐÌNH NHÂN NỘI -  số 33 phố Bát Đàn.

Thờ Bạch Mã đại vương; còn đền Nhân Nội ở số 84 phố Hàng Bồ, thờ công chúa Lân Ngọc. Đình và đền xa nhau chừng trăm bước, đều thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đình và đền Nhân Nội ở trên đất của thôn Nhân Nội xưa; vào đầu thế kỷ 19 thôn này đô thị hóa và có tên nôm là Hàng Nồi, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, phía đông thành Hà Nội.

Cửa Chính Đình Nhân Nội

Đình Nhân Nội được khởi dựng từ bao giờ vẫn là câu hỏi mà hiện nay chưa có tư liệu nào để trả lời chính xác. Trong đình thờ Bạch Mã đại vương, một vị thần thượng cổ và đứng đầu hệ thống “Tứ trấn Thăng Long”. Hiện nay đình nằm ở góc phố Bát Đàn - Hàng Điếu, rất gần đền Hỏa Thần ở nhà số 30 phố Hàng Điếu.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, các đồ thờ bị thất lạc, ngôi đình từng được dùng làm trụ sở của đội Tự vệ phố, sau đó làm nhà mẫu giáo của phường. Năm 1993, đình được tu sửa lại khang trang, thờ thêm tượng Phật và tượng Mẫu, biểu hiện sự dung hoà tôn giáo của người Việt.

Cửa đình Nhân Nội

Đình Nhân Nội gồm hai nếp nhà tiền tế và hậu cung được xây song song thành hình chữ “Nhị”. Cổng đình do diện tích nhỏ nên cũng là cửa ra vào nhà tiền tế. Phía ngoài cổng xây các trụ đắp câu đối, đỉnh trụ đắp hình con nghê, chính giữa đắp hình cuốn thư, trong có 4 chữ Hán “Nhân Nội Linh Từ”. Sau lại đắp thêm tên đình viết nhỏ hơn bằng chữ Quốc ngữ ở ngay phía trên cánh cổng giữa.

Tiền tế được làm theo kiểu một gian mái dốc, đổ bê tông, trên mái đắp giả ngói ống, nền lát gạch đá hoa. Trong nhà đặt hương án và đồ bát bửu. Hậu cung cũng được làm một gian mái vòm đổ bê tông dán ngói ống. Bên trong xây bệ thờ đặt tượng Phật, ngai thờ bài vị của thần Bạch Mã, hai bên là tượng Mẫu…

Bên cạnh đó lại có long ngai bài vị thờ Bạch Mã đại vương được tạo tác vào cuối triều Nguyễn, với những nét chạm đẹp và thanh thoát. Đây là những di vật có giá trị về sử liệu và nghệ thuật.

Trong đình còn có một bộ vũ khí cổ và các hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng. Bình đồng, lư hương đồng và các tượng Phật hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 20. Sự nhóm họp các pho tượng trong một thể tổng hợp giữa Thần và Phật phản ánh quan niệm “tam giáo đồng nguyên” của nhiều người Việt thời trước.

STT

NGÀY / THÁNG

ÂM LỊCH

TIỆC, LẾ CỦA NĂM

GHI CHÚ

1

13/02

Lễ tế dâng hương

Rước từ 84HB đến 33 BĐ

2

10/04

Lễ vào hè

 

3

10/07

Lễ ra hè

 

4

13/08

Lễ tế dâng hương

 

5

30/tháng chạp

Lễ Tất niên

 

2. ĐỀN NHÂN NỘI – Số 84 phố Hàng Bồ.

Đền Nhân Nội thờ công chúa Lân Ngọc. Theo tư liệu dân gian thì ngôi đền đã tồn tại ít nhất từ đầu triều Nguyễn. Năm 1952, đền được sửa chữa, thay 4 cột gỗ, sửa mái tiền đường và tu bổ phần hậu cung, thờ thêm tượng Mẫu. Sau đó có thời kỳ đền được sử dụng làm lớp học cho trường PTCS Lê Văn Tám. Năm 1993, hậu cung được trùng tu với khung bê tông. Năm 1997, tiền đường và trung đường được tu bổ lại theo lối kiến trúc như ta thấy hiện nay.

 

Cổng chính đền Nhân Nội.

Cổng đền được xây trụ nhỏ, thân trụ đắp câu đối, bên trên là mái đắp giả ngói ống. Trên cổng đắp nổi 3 chữ Hán “Nhân Nội Từ”; cánh cổng bên dưới làm bằng gỗ. Tòa đền chính xây theo kiểu chữ “Tam”, gồm có 3 nếp nhà xếp song song: tiền đường, trung đường và hậu cung. Tiền đường có 3 gian với 2 vì kèo gỗ làm kiểu quá giang trụ trốn, mái nhà lợp ngói tây.

Trung đường làm bán mái đổ bê tông, trên dán ngói vẩy rồng. Chính giữa xây bệ đặt khám thờ Đức Đại vương, hai bên là khám nhỏ thờ ông Hoàng Bảy và Hoàng Mười. Phía trước ban thờ Đức Đại vương có một ngai nhỏ, có lẽ để thờ công chúa Lân Ngọc. Còn ở hai bên bức tường hồi đặt các ban thờ Cô, thờ Cậu.

Trước cổng đền Nhân Nội.

Hậu cung rộng 3 gian, mái cao vượt, khung giằng bê tông. Nếp nhà này được nối với trung đường bằng 2 cửa ra vào, đại tự một bên ghi “Sơn Trang Động”, một bên ghi “Thánh Mẫu Cung”. Hậu cung có hai án gian, ở giữa đặt khám lớn, trong thờ tượng Mẫu Liễu Hạnh. Gian bên phải đắp động Sơn Trang, trong thờ Bà chúa Thượng Ngàn, bên trái đặt hai khám thờ Ngũ vị tôn ông và Tứ phủ chầu bà. Tất cả các khám thờ, nhang án đều được chạm trổ tinh xảo và sơn son thiếp vàng. Như vậy hiện nay ở đây ngoài việc thờ công chúa Lân Ngọc còn thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Đền Nhân Nội còn lưu giữ một số bảo vật như 6 đạo sắc phong thần, sắc sớm nhất ghi niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846), muộn nhất là Duy Tân thứ 3 (1909). Bên cạnh đó còn có ngai thờ, khám thờ mang phong cách nghệ thuật các thế kỷ 19 và 20 với những nét chạm đẹp, tinh tế.

STT

NGÀY / THÁNG (ÂM LỊCH)

TIỆC, LẾ CỦA NĂM

GHI CHÚ

1

10/ Tháng giêng

Lễ Thượng nguyên

 

2

22/02

Tiệc Cô Chín – Sài Sơn

 

3

03/03

Tiệc Mẫu Phủ Giầy

 

4

10/04

Lễ vào Hè

 

5

25/05

Lễ Quan Quân

 

6

12/06

Lễ Cô Bơ

 

7

24/06

Lễ Quan Lớn đệ Tam

 

8

10/07

Ra Hè

 

9

17/07

Lễ Quan Hoàng Bảy

 

10

20/08

Lễ Đức Đại Vương

 

11

22/08

Lễ Vua Bát Hải -  Thái Bình

 

12

09/09

Lễ Mẫu Cửu

 

13

10/09

Lễ Chầu Lục

 

14

20/09

Lễ Chầu Bé

 

15

10/10

Lễ Ông Hoàng Mười

 

16

02/11

Lễ Quan Giáp Sát

 

17

 

Lễ Tất Niên

 

3. ĐÌNH ĐÔNG THÀNH – số 7 Hàng Vải

Đình Đông Thành là ngôi đình của làng Đông Thành cũ. Nằm ở vị trí đặc biệt giữa Khu phố cổ Hà Nội, di tích Đình Đông Thành là một điểm du lịch hấp dẫn trong tuyến tham quan di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Thủ đô và Khu phố cổ Hà Nội. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa thành phố (năm 2014).

 

Cổng chính Đình Đông Thành

Đình Đông Thành còn được biết đến với tên gọi "Đình Hàng Vải" hiện thuộc số 7 Hàng Vải (Hà Nội), là nơi thờ thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Xưa kia nơi đây vốn là ngôi đình chung của hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị. Đến đời Minh Mạng (1820 -1840), hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị sáp nhập thành làng Đông Thành. Đình là nơi lưu giữ nhiều di vật quý báu như: Tượng thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng; 8 tấm bia đá thời Nguyễn ghi lại quá trình xây dựng, trùng tu và những người công đức; 9 đạo sắc phong sớm nhất là đạo sắc niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1924), cũng nhiều hoành phi, câu đối.

 Điều đáng chú ý là tại đây, mùa đông năm 1946, quân dân Hà Nội đã sử dụng đình làm một trạm cứu thương của Liên khu I, góp phần làm nên chiến công 60 ngày đêm, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc ở Thủ đô Hà Nội. Sau hơn 200 năm tồn tại, đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá khu phố cổ, tháng 10/2011, chính quyền Thành phố Hà Nội quyết định di dời trụ sở một cơ quan và 12 hộ dân với 33 nhân khẩu ra khỏi khu vực di tích, để giải phóng mặt bằng, trùng tu và tôn tạo và khôi phục các hạng mục với tổng kinh phí 52 tỷ đồng. Trong quá trình trùng tu, kiến trúc gốc mang tính truyền thống của đình được giữ gần như nguyên vẹn nhằm phát huy bản sắc văn hóa, cũng như đời sống tinh thần người dân phố cổ Hà Nội. Cuối tháng 4/2013, đình chính thức được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2014. Các công trình kiến trúc hiện nay của ngôi đình được tập trung trong một không gian khép kín, bao gồm: Nghi môn, Tiền tế, Ống muống và Hậu cung, hợp thành hình chữ Công với tổng diện tích 460m2.

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử, tháng 10/2014, đình Đông Thành đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Đến nay, Đình Đông Thành không chỉ đơn thuần là một địa điểm tâm linh dành cho người dân, mà còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách nước ngoài.

Lược sử

Xưa kia nơi đây vốn là ngôi đình chung của hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn khi chép về các chợ cổ của Hà Nội có nói đến chợ Đông Thành (về sau chợ chuyển lên phường Đồng Xuân, gọi là chợ Đồng Xuân). Do có chợ nên tên thôn là Đông Thành Thị. Đến đời Minh Mạng (1820—1840), hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị sáp nhập thành làng Đông Thành ở phía trước cửa Đông Môn của tòa thành mới xây lại theo kiểu Vauban.

Tượng Trấn Vũ và Hộ pháp trong đình Đông Thành.

Bản hương ước sửa lại năm Giáp Thân 1944 cho biết đình được xây dựng từ lâu đời, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Hai bên tam quan có cặp bia đá với dòng chữ “Đông Thành bi kí” ghi niên hiệu Minh Mạng, nói về những người cúng tiến, như thế ngôi đình đã tồn tại chừng 200 năm. Ngoài ra còn có 8 tấm bia khác, bao gồm “Trùng tu Đình Vũ bi kí” dựng năm Canh Tuất 1850 và “Đông Thành thị thôn bi lục” dựng năm Thành Thái 17 (1906) do người trong thôn cúng tiến. Văn bia ghi niên hiệu Duy Tân 4 (1910), do ông Đỗ Ích (tú tài làng Đông Ngạc) soạn, cho biết: "Việc thờ tự miếu Tôn Thánh của thôn thị Đông Thành, truy nguyên ra kể từ khi bản thôn thờ miếu Tôn Thánh, được tắm gội ơn quang, đội ơn che chở, tính đến nay đã trăm năm. Trong thời gian ấy, miếu trùng tu nhiều lần, có ghi khắc bia đầy đủ. Đền miếu huy hoàng, lâu đài sừng sững thật trang nghiêm và linh thiêng".

Sân đình Đông Thành sau trùng tu.

Ngày 19-12-1946, trung đội tự vệ chiến đấu khu Đông Thành đã đóng ở ngôi đình này để chống cự quân Pháp từ Cửa Đông thành Hà Nội đánh ra. Trong tuần đầu tiên của cuộc kháng chiến, cụ Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Chính phủ Hồ Chí Minh, nhà ở số 32 phố Bát Sứ, bị kẹt lại trong vòng vây của địch. Các chiến sĩ tự vệ khu Đông Thành đã đưa cụ Tố và một số người dân ra ngoài an toàn. Sau đó đình là một trong những trạm cứu thương, trung chuyển thương binh của Liên khu I. Lúc ấy, nhà máy nước bị phá, không có nước dùng, các chiến sĩ đã đào giếng cạnh hậu cung. Giếng đó nay trở thành một di tích kháng chiến ở Hà Nội.

Kiến trúc

Đình hiện nay có mặt bằng hình chữ “Công”, bao gồm: nghi môn, bái đường, thiêu hương, hậu cung; tất cả nằm trong một khuôn viên có diện tích gần 460m2. Mái đình lợp ngói ta, hai bên xây trụ cao, trên đắp hình con nghê. Góc sân bên trái tòa bái đường 3 gian 2 dĩ có đôi bia đá gắn vào tường. Bên phải vẫn còn một cây đa cổ thụ.

Ngoài các bia đá, trong đình có pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở hậu cung. Tượng bằng gỗ sơn, bên ngoài khoác áo, chiều cao 1,5m, bề rộng 0,8m; tạc vị thần ngồi oai nghiêm trên ngai rồng, mắt mở to, đầu trần, chân đất, tóc xoã sau lưng. Tay phải thần chống kiếm Tam thái thất tinh có rắn quấn quanh, mũi kiếm đặt trên lưng rùa. Tay trái giơ lên ngang ngực, ngón trỏ và ngón út chỉ thẳng lên trời làm phép kiểu “an uỷ ấn”. Ngón cái và ngón giữa tạo thành ấn quyết kiểu “vô thủy vô chung”. Kiểu ngồi niệm chú như thế Đạo giáo gọi là “giả toạ”, làm ta nhớ đến pho tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh.

Ban thờ Tam Bảo và Thánh Tổ trong đình Đông Thành. Đình làng Đông Thành vẫn giữ được 9 đạo sắc phong thần của các vua Nguyễn từ đời Thiệu Trị nguyên niên (1841) đến Khải Định thứ 9 (1925). Trong đình cũng có nhiều cổ vật như hoành phi, câu đối, ngai rồng, bài vị, nhang án, cửa võng; tất cả đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Một trong những câu đối tại nơi đây ca ngợi công lao của

thần Trấn Vũ như sau:

Nhất thốc Long Thành lưu miếu vũ

Thiên thu quy kiếm yểm gian tà

Tạm dịch là:

Một tổ Long Thành lưu miếu vũ

Ngàn năm rùa kiếm trấn gian tà

Tượng Hộ pháp và Thổ thần trong đình Đông Thành.

Ngoài ra, trong đình còn có nhiều đồ thờ cúng khác như: mâm bồng, lọ hoa, cây nến lớn, bình thiên hương, choé có nắp thời Nguyễn, bốn ngai thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, tượng Thổ thần, hai tượng Hộ pháp, một tượng Phật Thích Ca, hai pho tượng thị nữ đứng chầu. Mỗi năm, đình có hai kì lễ chính vào các ngày mồng 2, 3, 4 tháng Ba và mồng 8, 9, 10 tháng Chín âm lịch, gọi là lễ tế Xuân Thu nhị kì.

STT

NGÀY / THÁNG (ÂM LỊCH)

TIỆC, LẾ CỦA NĂM

GHI CHÚ

1

20/01

Lễ thượng nguyên

 

2

2,3,4/03

Lễ xuân tế

 

3

04/04

Lễ Kỷ uyên

 

4

05/05

Lễ Đoan Ngọ

 

5

05/07

Lễ Lập Hạ

 

6

15/07

Lễ Trung nguyên

 

7

15/08

Lễ Trung Thu

 

8

8,9,10/09

Lễ Thu Tế

 

9

10/10

Lễ Chung Thập

 

10

02/tháng chạp

Lễ Chạp thần

 

11

30/tháng chạp

Lễ Tất niên

 

4. ĐÌNH LÒ RÈN - số 1 phố Lò Rèn.

Ngày nay toạ lạc ngôi đình Lò Rèn. Khu vực này, đầu thế kỷ XIX, là đất thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, xưa xa hơn, vào thế kỷ XVI, là phần đất mở rộng của khu phố cổ ở Thăng Long thời Lê. Đình Lò Rèn do dân làng làm nghề thợ rèn lập nên để thờ Tổ nghề rèn sắt.

 

Cổng chính Đình Lò Rèn

Nghề rèn sắt di chuyển vào Thăng Long gồm hai nhóm chính một nhóm khá đông đảo đã đến lập nghiệp ở khu vực Tân Khai – Tân Lập, còn nhóm kia thì kéo đến khu vực gần cửa Nam, sau này là phố Sinh Từ. Nhiều năm sau, nghề rèn phát đạt, mở rộng thêm, một số thợ đã đến Kim Mã, Hàng Bột, Ô Cầu Dền... Một lượng thợ rèn từ Hoè Thị đã đến Tân Khai – Tân Lập để định cư, hành nghề, sau có thêm một số thợ các làng khác như Đa Sĩ, Đa Hội cũng đến đây, khiến vùng Tân Khai – Tân Lập có một hình ảnh điển hình là những bễ lò rèn và sản phẩm chính bày rất nhiều trước nhà. Do vậy mà đầu thế kỷ XIX xuất hiện phố Hàng Bừa. Đến cuối thế kỷ XIX, người Pháp mở mang phố xá, nên nguyên vật liệu bằng sắt rất thông dụng, và suốt dãy phố nhà nào cũng có bễ lò rèn phì phò hoạt động. Từ đấy xuất hiện tên phố Lò Rèn. Lúc phát triển nhất, thợ rèn ở Nam Định, Thanh Hoá cũng đến lập nghiệp ở phố Lò Rèn, có gần trăm bễ lò hoạt động, trong đó quá nửa là lò rèn của người gốc Hoè Thị. Và rồi, cũng như bao làng nghề, phường nghề khác, người dân phường rèn cũng đã cùng nhau dựng một ngôi đình chung để thờ Tổ nghề và các vị khai công đầu tiên đưa nghề rèn lên Thăng Long 

Nơi thờ tổ nghề

Trước kia, sản phẩm của người thợ rèn ở Lò Rèn và một số nơi nữa gồm lưỡi cày, bừa, cuốc, liềm, hái, dao phát bờ, kéo... đáp ứng cho nhu cầu của dân kinh thành và dân các tỉnh lên Hà Nội mua. Dần dần, nhu cầu xã hội phát triển nhiều mặt hàng sắt, người thợ rèn đã luôn luôn thích ứng, lại không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng và kỹ thuật. Đầu thế kỷ XX, thợ Lò Rèn Hà Nội đã sản xuất bulông theo đơn đặt hàng của công trình xây dựng đường sắt Hà Nội đi Vân Nam và Hà Nội đi Sài Gòn. Rồi tất cả các đồ sắt cho các công trình xây dựng công sở, xây dựng các công trình văn hoá công cộng lớn như cửa sắt hoa, hàng rào, cổng, bản lề... đều được người thợ rèn ở Hà Nội làm ra. Và nhiều mặt hàng công cụ người thợ rèn Hà Nội chế tạo rất đẹp và bền như khoan, kìm, búa, chàng, đục... Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945, Nghiệp đoàn thợ rèn đã được thành lập tại đình Lò Rèn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các bễ lò rèn vẫn nổi lửa, người thợ vẫn làm ra những dụng cụ thiết yếu cho đời sống của nhân dân, và còn rèn những vật phẩm phục vụ công cuộc kháng chiến trong đó có các loại vũ khí thô sơ như lưỡi lê, kiếm để cung cấp cho quân đội, cho du kích. Đến năm 1954, tại đình Lò Rèn đã có buổi lễ long trọng thành lập Liên đoàn thợ rèn. Mọi hoạt động của công nhân Liên đoàn thợ rèn đều được tổ chức tại Đình.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, và cho đến hôm nay, sản phẩm của nghề rèn thủ công Hà Nội vẫn luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường trong Hà Nội và một số vùng lân cận. Trong nhịp độ phát triển kỹ thuật hiện đại, phố Lò Rèn hôm nay còn nhiều nhà vẫn giữ được nghề truyền thống. Trên một đoạn đường phố Lò Rèn, chỉ dài 128 mét là phố nhỏ thôi mà có đến 20 số nhà là những bễ lò rèn của người quê gốc Hoè Thị! Đó là sắc thái làng nghề thật đặc biệt của Thăng Long trải mấy trăm năm vẫn còn đến hôm nay. Và, nó đâu chỉ là giá trị kinh tế kỹ nghệ, mà nó là những giá trị văn hoá lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.

STT

NGÀY / THÁNG (ÂM LỊCH)

TIỆC, LẾ CỦA NĂM

GHI CHÚ

1

22/02

Giỗ Tổ Nghề Rèn

 

2

22/08

Giỗ Tổ Nghề Rèn

 

5.ĐÌNH TÂN KHAI ( THÁI CAM) – Số 44 phố Hàng Vải.

Đình Tân Khai được xây dựng năm 1822; trong thờ 3 thần Tô Lịch, Bạch Mã, Thiết Lâm. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hoá quốc gia (năm 1990).

Đình Tân Khai còn được gọi là đình Thái Cam. Trước đây, di tích thuộc thôn Tân Khai, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Theo văn bia thì đình Tân Khai được dựng vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), cùng với thời điểm dựng chùa Thái Cam. Dân địa phương còn gọi là đình Rổ Rá vì trước đình xưa kia là nơi bày bán đồ đan.

 

Cổng Chính đình Tân Khai mới Trùng tu

Lược sử

Theo tấm bia dựng năm Minh Mạng 21 (1840) và văn bia “Bản tự chân chuyên bi kí” khắc năm 1845 thì đình Tân Khai được xây trên khu đất hoang phía đông tòa thành cũ thời Lê vào năm 1822, cùng với thời điểm dựng chùa Thái Cam ngay bên cạnh. Đó cũng là năm thành lập thôn Tân Khai, thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Sau đó, đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, lớn nhất là vào năm 1851. Thời trước, dân địa phương còn gọi là đình Rổ Rá vì trước cổng đình thường bày bán đồ tre đan.

Cũng giống như trong nhiều ngôi đình khác ở Hà Nội, thành hoàng làng Tân Khai là thần Tô Lịch, thần Bạch Mã và thần Thiết Lâm. Ba vị này đã có công giúp vua Lý Công Uẩn xây dựng Thăng Long và trở thành các thần bảo hộ cho kinh đô. Sự tích của các ngài đã được lưu trong sách chính sử, dã sử và truyền thuyết dân gian, có thể tóm tắt như sau:

Sân đình Tân Khai.

Vị đứng đầu phải kể đến là thần Tô Lịch, được hình thành trong bối cảnh khởi dựng thành Đại La xưa kia và được các triều vua sau phong là “Bảo Quốc, Trấn Linh, Định Bang Quốc Đô Thành hoàng Đại Vương”. Ngài là vị thành hoàng đầu tiên ở nước ta được hai viên quan đô hộ nhà Đường là Lý Nguyên Gia và Cao Biền phong theo đúng tiêu chuẩn Bắc phương là vị thần bảo vệ thành luỹ, do nghĩa chữ “Thành” là cái thành, “Hoàng” là cái hào khô bao quanh thành.

Theo sách “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên thì thần Tô Lịch làm quan huyện lệnh ở Long Độ (Long Đỗ). Họ Tô đã nhiều đời ở đất Long Đỗ, dựng nhà ben bờ con sông nhỏ, nhà tuy không giàu nhưng biết lấy đạo hiếu làm đầu. Thời Tấn, ngài đã được khen là người có hiếu và được vua ban sắc cho đặt tên Tô Lịch làm tên làng.

Hậu cung đình Tân Khai

Mùa hè năm 866, Cao Biền (821-887) chiếm Đại La từ tay quân Nam Chiếu, muốn mở rộng thành. Y nghe nói thần rất linh dị, bèn sắm lễ vật dâng tế và tôn Tô Lịch làm “Đô phả Thành hoàng Thần Quân”. Cũng có thuyết cho rằng Tô Lịch là thuỷ thần sông Tô Lịch, tự xưng tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh chống đối với Cao Biền. Biền yểm bùa nhưng không thành, sau đó y phải phong Tô Lịch làm Đô Thành Hoàng.

Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra đây lại phong cho Tô Lịch làm “Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại Vương”. Thời Trần phong thêm các mỹ tự “Bảo Quốc, Hiển Linh, Định Bang”.

Ban thờ trong đình Tân Khai

Vị thần thứ hai được thờ tại đình Tân Khai là thần Bạch Mã, hiệu là “Long Đỗ Thần Quân Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương”. Long Đỗ, tức “Rốn Rồng”, cũng được gọi là núi Nùng. Tương truyền, núi có khe thông sâu xuống dưới đất, tiếp nhận khí thiêng sông núi. Thần được thờ chính ở đền Bạch Mã (số 76 Hàng Buồm).

Tương truyền vào thế kỷ 9, Cao Biền xây thành Đại La, khi ra ngoài cửa đông thấy một người hiện trong đám mây ngũ sắc. Vốn là đạo sĩ, Biền có ý muốn trấn áp. Đêm đó, Biền nằm mộng thấy người đã gặp xưng là Long Đỗ. Biền dùng bùa yểm bằng đồng chôn xuống đất, bùa liền bị sét đánh tan. Biền cả sợ liền lập đền thờ.

Năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long xây dựng kinh thành gặp nhiều khó khăn, nhiều lần thành đắp lên rồi lại đổ. Vua cho người cầu đảo ở đền thờ thần Long Đỗ, thì thấy một con ngựa trắng từ đền chạy ra một vòng quanh thành. Vua cứ theo vết chân ngựa rồi xây thành. Vua xuống chiếu phong Long Đỗ làm Thành hoàng cho dân Thăng Long thờ, tước phong “Quảng Lợi Bạch Mã Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.

Các triều vua sau đều phong tặng thần Long Đỗ. Thời Trần, năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) rồi năm Hưng Long thứ 21 (1314) gia phong mỹ tự “Thánh Hựu Phu Ứng Đại Vương”.

Cổng chùa và đình Tân Khai.

Vị thứ ba được thờ trong đình Tân Khai - thần Thiết Lâm (thần rừng lim) - tương truyền là một vị thần của vùng Hồ Tây. Tuy chi tiết về ngài hiện nay không có tài liệu nào ghi chép, song có thể thấy việc thờ ngài có lẽ bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Việt cổ xưa tôn sùng các lực lượng thiên nhiên (như thần cây đa, thần cây gạo…). Đây là một hiện tượng phổ biến của cư dân Việt nói riêng và cư dân Ấn Độ, Đông Nam Á nói chung, để cầu mong sự bình yên hạnh phúc.

Ba thành hoàng thờ trong đình Tân Khai đều là những vị thần có gốc gác và gắn với Thăng Long từ buổi đầu khởi dựng kinh đô. Tiểu sử của các ngài thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và hùng khí của quê hương. Thần Tô Lịch cũng như thần Long Đỗ đều từng bị Cao Biền yểm trấn nhưng không thành, chính Biền cũng đã phải thú nhận: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”.

Kiến trúc

Đình Tân Khai trước đây được xây trên một mảnh đất nhỏ, áp lưng vào chùa Thái Cam. Nay nhà tiền tế đã mất, đình chỉ còn hậu cung xây kiểu chữ Công, rộng ba gian hai chái, mặt quay về hướng nam. Sân đình nằm dưới tán lá một cây bồ đề to, cửa đình có đôi con nghê đứng chầu. Đình xây đầu hồi bít đốc, 2 tầng 4 mái, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long triều nhật.

Đình Tân Khai hiện nay chung cổng ra vào với chùa Thái Cam. Cổng này xây kiểu nhà cầu 4 trụ mái bằng, trên đắp cuốn thư đề 4 chữ Hán “Tân Khai Linh Từ”, nhìn chếch ra ngã tư Hàng Vải—Hàng Gà. Trải qua thời gian hai thế kỷ, đất đình chùa bị lấn chiếm một phần và các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2015, cổng vào cụm di tích này đã được trùng tu.

Như vậy, các vị thần được thờ trong đình Tân Khai đều là những vị thần có gốc gác ở Thăng Long và gắn với Thăng Long từ buổi đầu khởi dựng kinh đô. Tiểu sử của các vị thần này là sự biểu hiện của tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và hùng khí của quê hương. Thần Tô Lịch cũng như thần Long Đỗ đều bị Cao Biền yểm trấn nhưng rồi không thành, chính Biền cũng đã phải thú nhận: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Trong đình hiện còn các đôi câu đối nói lên sự uy phong của các vị thần.

Đình Tân Khai tuy ra đời và đầu thế kỷ XIX, song trong tâm thức của người dân Hà Nội thì thần Tô Lịch, Bạch Mã, Thiết Lâm vẫn là những vị thành hoàng tối thượng bảo vệ cho kinh đô Thăng Long, muôn đời được thờ cúng. Đình Tân Khai đã được Bộ Văn hoá Thông tin ra quyết định năm 1990 công nhận là di tích lịch sử - văn hoá.

STT

NGÀY / THÁNG (ÂM LỊCH)

TIỆC, LẾ CỦA NĂM

GHI CHÚ

1

10/ Tháng giêng

Lễ Thượng nguyên

 

2

13/02

Tiệc Thánh

 

3

10/04

Lễ vào Hè

 

4

10/07

Lễ ra Hè

 

5

13/08

Tiệc Thánh

 

6

10/ tháng chạp

Lễ Tất niên

 

6. CHÙA THÁI CAM – số 16C phố Hàng gà

Chùa Thái Cam xây năm 1822 trên đất của thôn Tân Khai mới thành lập. Xếp hạng: Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (năm 1990).

 

Cổng Chùa Thái Cam ( đường Hàng Gà)

Lược sử

Chùa Thái Cam vốn của thôn Tân Khai, một thôn mới được thành lập vào năm 1822 trên nền dải đất hoang phía đông hoàng thành thời Lê, thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Trên cổng chính của chùa có đắp nổi 4 chữ “Tân Khai linh tự”, song đã từ lâu nhân dân thường gọi bằng một tên khác là chùa Thái Cam vì tương truyền ở đây “… có một cái giếng cổ nước rất thơm ngọt, gọi là giếng Thái Cam”.

Cổng đình Tân Khai và chùa Thái Cam.

Văn bia “Thái Cam tự bi” niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845) cho biết: “… Phía ngoài thành xưa có chùa Thái Cam, vốn là bãi bể nương dâu nay biến thành chùa. Theo sách xưa (của nhà vua) vào năm Giáp Tý, niên hiệu Gia Long thứ 3, bắt đầu xây dựng thành trì, mở mang bờ cõi, đến năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 mới xây dựng xong thành ốc, tiếp tục đăng ký hộ khẩu (theo cách nói xưa là vào sổ đinh). Phía ngoài thành có đền Tân Khai. Đó là tên cũ vậy. Rồi xây dựng chùa Thái Cam, đó cũng là tên cũ. Chùa ở phía trái của đền thờ thần, chùa ôm lấy núi Nùng, có sông Nhị bao quanh, hướng quay về phía đồng ruộng và gần con đường lớn…”.

Trong văn bia “Bản tự chân lục bi ký” dựng năm Ất Tỵ (1905) có viết : “…Đất này vốn thuộc thành Đông Quan xưa của nhà Hậu Lê, nay là đất Hà Nội. Năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3, triều đình tuyển mộ dân đinh khai khẩn đất này, dần thành thôn xóm, dân trong thôn bèn lập đền thần, chùa phật, để thờ cúng, cũng năm đó chùa xây dựng xong”.

Trên tấm bia “Thái Cam tự bi” niên hiệu Bảo Đại thứ 10 (1935) cũng ghi: “… Xưa, vào năm Giáp Tý, niên hiệu Gia Long, tổ tiên ta ở thôn này đã tập hợp dân chúng xây dựng mới cho làng ta ở phía ngoài thành Thăng Long, trong làng có đình, bên cạnh đình có chùa Thái Cam. Đất này có núi Nùng bao quanh, có sông Nhị, uốn quanh phía trước, thật là cảnh đẹp thiên tạo…”.

Các văn bia trên đã cho biết rõ địa điểm dựng chùa hiện nay ở vào khu phía đông hoàng thành Thăng Long, và cụ thể hơn - vùng đất này từng là nơi đồn trại của quân đội. Duyên do bởi khi Gia Long lên ngôi, vua cho phá thành nhà Lê, xây lại một thành nhỏ hơn nằm trong vòng thành cũ. Từ đó một phần đất ở phía đông hoàng thành cũ bị gạt ra ngoài, dần dần trở nên hoang phế. Đến năm 1822, thôn Tân Khai được thành lập tại đây và chùa Thái Cam ra đời.

 

Tiền đường chùa Thái Cam.

Chùa Thái Cam ngoài thờ Phật, thờ Mẫu, còn thờ vọng danh tướng Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc kiệt xuất ở thế kỷ 13, đã có công hai lần đánh bại quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta.

Trong quá trình tồn tại, chùa Thái Cam đã nhiều lần bị phá huỷ do hoả hoạn vào các năm 1828, 1837. Đặc biệt, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị hư hỏng nặng, chỉ duy có toà nhà Mẫu còn giữ nguyên được quy mô kiến trúc từ năm Bảo Đại thứ 8 (1933). Kiến trúc hiện nay của chùa mang dáng vẻ của lần đại trùng tu vào năm 1954.

Kiến trúc

Chùa Thái Cam nhìn từ phố Hàng Gà.

Chùa Thái Cam có diện tích tương đối rộng rãi so với các ngôi chùa khác trong khu phố cổ Hà Nội. Chùa quay mặt về hướng nam, bao gồm các công trình: cổng, tiền đường, điện Phật, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Ni, tất cả tạo thành một khuôn viên khép kín. Trước chùa, bên trái và phía sau đều có sân gạch và tường bao quanh.

Vào chùa có thể đi hai lối khác nhau. Cổng chính ở số nhà 44 bên phố Hàng Vải, chung lối đi với đình; cổng phụ ở 16c phố Hàng Gà dẫn vào khu nhà Mẫu, nhà Tổ. Cổng chính xây gạch kiểu giả vòm, đổ mái bằng, có 4 trụ, bên trên cổng đắp cuốn thư ghi 4 chữ Hán: “Tân Khai Linh Tự” (Chùa thiêng Tân Khai).

Chính điện chùa Thái Cam.

Chùa chính có mặt bằng hình chữ “Đinh”, bao gồm 2 tòa tiền đường và thượng điện. Tiền đường 5 gian, xây kiểu hai tầng bốn mái chồng diêm, mái lợp ngói ta, đỉnh bờ nóc đắp hình mặt trời lửa và 4 chữ Hán “Thái Cam thiền tự”. Bộ khung bằng bê tông làm giả kiểu vì truyền thống, phía trước tiền đường treo bức y môn chạm thủng kiểu chân quỳ dạ cá với các hình “tứ linh” được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Gian giữa đặt một hương án, hai bên xây bệ cao đặt các bộ tượng Đức Ông và Thánh Hiền. Cạnh mỗi lối vào hậu cung có một tượng Hộ pháp đứng gác.

Ban thờ Tổ chùa Thái Cam.

Thượng điện gồm 3 gian dọc. Các vì bằng bê tông cũng được làm mô phỏng cách thức vì cổ truyền. Từ ngoài vào, xây các bệ gạch cao dần làm nơi đặt tượng Phật. Trên cùng là 3 pho Tam Thế, rồi đến A Di đà toạ thiền, tiếp theo là tượng Di Lặc, Tuyết Sơn, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu và toà Cửu Long với tượng Thích Ca sơ sinh. Hai bệ hai bên tường là Thập điện Diêm Vương.

Nhà Mẫu và nhà Tổ vẫn giữ được kiến trúc vào lần tu sửa cuối cùng năm 1838 theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” với các bộ vì kèo bằng gỗ và kết cấu cổ truyền. Các nếp nhà này lòng khá rộng, tạo không gian kiến trúc riêng biệt trong khu phố cổ Hà Nội.

Ban thờ Phật chùa Thái Cam.

Ra đời vào đầu thế kỷ 19, chùa Thái Cam vẫn bảo lưu được một số lượng di vật đa dạng, phong phú về thể loại và chất liệu, như hệ thống tượng tròn, bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối mang giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Các pho tượng tròn của chùa được tạo tác khéo léo, đạt tính chuẩn mực và thẩm mỹ cao… Đặc biệt trong chùa còn giữ được 13 tấm bia đá, một nguồn tư liệu thành văn quý giá, giúp các nhà nghiên cứu không chỉ tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa mà còn minh chứng cho vị trí của toà thành Thăng Long thời Lê và về hiện tượng nông thôn hoá đô thị Hà Nội hồi đầu thời Nguyễn.

Chùa Thái Cam cùng với hệ thống các di tích trong khu vực này như chùa Cầu Đông, đình Đức Môn, đình Đông Môn, hội quán Phúc Kiến v.v. cũng đã giúp các nhà nghiên cứu hoạch định địa giới của kinh thành Thăng Long thời Lê—Nguyễn và địa giới của khu phố cổ Hà Nội. Năm 1990 chùa Thái Cam (cùng đình Tân Khai) đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

STT

NGÀY / THÁNG (ÂM LỊCH)

TIỆC, LỄ CỦA NĂM

GHI CHÚ

1

11 Tháng giêng

Lễ Thượng nguyên

 

2

03/03

Tiệc Mẫu

 

3

08/04

Lễ vào Hè

 

4

08/07

Lễ ra Hè

 

5

20/08

Tiệc Vua Cha

 

6

22/08

Tiệc Nhà Trần

 

7

08/ tháng chạp

Lễ Tất niên

 

 

7. HỘI QUÁN PHÚC KIẾN – số 40 phố Lãn Ông.

Đối với khu phố cổ Hà Nội, các di tích lịch sử văn hoá có một vị trí đặc biệt quan trọng. Ngoài các di tích truyền thống thường gặp như đình, đền, chùa, miếu còn có các hội quán - một loại hình di tích đặc biệt, thường chỉ xuất hiện ở những đô thị cổ có người Hoa sinh sống. Đối với đô thị cổ Hà Nôi, đó là các di tích hội quán Phúc Kiến và hội quán Quảng Đông.

 

Cổng chính Hội Quán Phúc Kiến

Hội quán Phúc Kiến toạ lạc ở số nhà 40, phố Lãn ông, phường Hàng Bồ. Đây là một dãy phố cổ, trước kia gọi là phố Phúc Kiến, vì là nơi cư ngụ của Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho biết: “Phố Phúc Kiến bán đồ đồng”; sách “Chuyến đi chơi Bắckỳ” của Trương Vĩnh Ký cũng cho biết: “Phó đó bán đồ đồng, đồ sắt”; tác giả Nguyễn Văn Uẩn trong sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” cho biết thêm: “Phố Phúc Kiến có một nghề chính là buôn thuốc bắc”.

Và, như bản thân tên gọi của nó, hội quan Phúc Kiến là một kiến trúc gắn bó mật thiết với cộng đồng người Hoa có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Định cư ở Thăng Long, họ tổ chức thành bang và xây dựng hội quán, vừa làm nơi thờ vị thần bảo hộ cuộc sống, vừa làm nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.

Tấm bia “Phúc Kiến hội quán hưng sáng lục” gắn trên tường hồi bên phải tam quan hội quán, có niên đại vào năm Gia Long thứ 16 (1817) cho biết: “… thương thuyền đến An Nam trú ngụ ở đất Thăng Long dựng miếu đền đèn nhang thờ cúng. Đến năm Ất Hợi , nhân hộ bàn thương hội, liền quên góp tiền của mua một miếng đất làm miếu. Mọi người đều hân hoan tán đồng, liền mua một khu đất xứ Đông Hoa Môn. Lúc đó, có thuyền gỗ tốt từ Nghệ An đến, liền mua để dựng miếu, tạc tượng thần. Công việc khởi công từ tháng trọng hạ đến trọng đông thì hoàn thành. Năm Bính Tý, rước tượng và miếu yên vị. Ngoài miếu là bái đình, nơi hội họp của bản phố”.

Năm 1925, hội quán được trùng tu và mở rộng. Bia “Phúc Kiến hội quán trùng tu bi ký” có niên đại Trung Hoa  dân quốc thứ 14 (1925) cho biết rõ về sự việc trên: “Cung Thiên Hậu được khởi dựng  từ năm Đinh Sửu đời vua Gia Long thứ 16 (1817). Khi đó thuyền buôn tụ tập đến đây buô bán đã quên góp tiền của xây dựng. Đến nay, trải qua năm tháng, mưa gió làm cho đổ nát hư hại nhiều… Tu sửa cung Thiên Hậu để khích lệ việc học tập cho thanh niên về sau. Ngày lành tháng mạnh xuân năm Kỷ Sửa Trung Hoa dân quốc thứ 14 (1925) trùng tu hai toà hội quán Phúc Kiến, cùng dựng học hiệu…”

Bia “Phúc Kiến hội quán hưng sáng lục” ghi vè việc thờ phụng tại di tích và công tích của Thần như sau: “Thánh cung Thiên Hậu đức khôn linh nghiệm. Thánh giáng sinh vào năm đầu Kiến Long thời Tống ở Đô Lâm huyện Bồ Điền. Lúc sinh, trong nhà hương thơm, điềm lành hiện ra anh linh kỳ tú. Lớn lên ngộ đạo huyền diệu bay đi tiêu dao nơi góc biển chân trời, giúp người lợi vật. Nơi đâu cầu khẩn đều báo ứng. Từ đời Tuyên Hoà (1119 - 1126) trở đi, thánh hiển ứng, được phong là Thiên Phi. Trải các đời phong sắc tặng là Vinh Trì sùng tích cáo đan côn hoàng. Đến triều Đại Thanh niên hiệu Khang Hy (1662 - 1723), phong Thiên Hậu liệt điển lệ thờ cúng, cho dựng điện ở bên sông, ban tiền công sai quan làm biền thờ. Tàu thuyền chở hàng hoá đi biển đều nhờ thánh trì che chở”.

Thiên Hậu là một nữ thần có vị trí quan trọng trong thần điệnc ủa người Trung Quốc. Hiểu theo nghĩa triết tự, thiên Hậu là “Hoàng hậu của trời”. Bà còn được gọi là “Thiên thượng thánh mẫu” (Mẹ thánh của trời), hoặc thân mật hơn là “Mã Tổ bà” (bà tổ). Việc thờ cúng nữ thần này có nguồn gốc từ Phúc Kiến và từ đó lan khắp Trung Quốc.

Nữ thần Thiên Hậu là vị thần bảo hộ cho các thuỷ thủ, các đoàn tàu buôn của người Trung Quốc buôn bán trong nước và trên thế giới. Trước khi nhỏ neo lênđường, cả thuỷ thủ và khách đều đem lễ vật cúng bà trên bờ, hoặc thường đến chùa thắp hương cầu khấn. Những thương nhan xuất hay nhập khẩu, những nhà thầu vận tải đường bểin, những người di cư, những người hành khách đều cũng lễ bà.

Sách “Phong dần diễn nghĩa” cho biết “Thiên Hậu là một cô gái sinh ở đảo My Châu gần Hưng Hoá, người này thì nói là sống ở thế kỷ thứ VIII, người khác lại nói ở thế kỷ thứ X. Bà đặc biệt sùng kính Quan Âm và không chịu lấy chồng. Bốn người anh bà đều buôn bán trên biển và mỗi người có một con tàu do họ lái lấy. Một buổi chiều, khi những người anh di xa, bà bị bất tỉnh. Sau những cố gắng lâu ngày, người ta làm cho bà sống lại nhưng bà than phiền mình được gọi về quá sớm. Lúc đó người ta chẳng hiểu bà muốn nói gì. Nhưng vài hôm sau, ba người anh trở về tay không: một trận bão đã đánh vào những con tàu của họ. Những tưởng mình đã chết, nhưng có một cô gái hiện ra đưa họ tới nơi ẩn nấp, chỉ có người anh cả không được cứu thoát. Lúc đó người ta mới hiểu được những lời của bà: chính bà đã đi cứu những người anh gặp nạn. Ít lâu sau, bà mất”.

Theo một tấm bia dựng năm 1228 ở đền thờ bà tại Hàng Châu Trung Quốc thì “…một luồng sáng siêu nhiên xuất hiện trong đêm, trên bờ My Châu và tất cả những người dân ở đó đều mơ thấy một người con gái nói về họ: “Ta là nữ thần My Châu, phải để ta ở đây!”. Sau phép lạ này, họ dựng cho bà một ngôi đền trên bờ biển…”. Rồi sau đó, bà liên tiếp phù tợ, cứu vớt những người gặp nạn trên biển: nạn bão to, đắm tàu, cướp biển… và đặc biệt hữu hiệu trong trận hạn hán năm 1187, 1190 ở Trung Quốc.

Do công tích đối với dân, với nước, bà liên tiếp được các triêu vua phong tặng các tước hiệu. Tấm biển khắc bài trâm đặt tại gian giữa hậu cung hội quán Phúc Kiến cho biết danh hiệu của bà được các triều vua sắcphong là : Sùng Phúc phu nhân (1155), Linh Huệ phu nhân (1156), Linh Huệ Chiêu ứng phu nhân (1160), Linh Huệ Chiêu ứng sùng phúc thiện lợi phu nhân, Hoàng nhân phổ tế Thiên Phi và danh hiệu Thiên Hậu được đời vua Khang Hy thứ 23 (1684) đặc phong.

Và như vậy, khi thuyền buôn của những người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến tụ tập hàng hoá và trú ngụ tại Thăng Long vào thế kỷ XIX, họ đã lập nên hội quán Phúc Kiến, vừa là nơi thờ phụng nữ thần Thiên Hậu theo tâm thức truyền thống, vừa là nơi hội họp của “bản phố”, vừa dùng làm nơi khích lệ việc học tập cho thanh niên.

Theo những miêu tả trên văn bia, thì hội quán Phúc Kiến hiện nay vẫn giữ nguyên được quy mô của lần tu sửa vào năm Trung Hoa dân quốc thứ 14 (1925), với khối kiến trúc đá đồ sộ trong một khuôn viên  rộng lớn. Quy hoạch mặt bằng của di tích bao gồm: tam quan, sân, phương đình, hậu cung, khu học hiệu nằm phía sau và hai bên kiến trúc chính.

Tam quan là một nếp nhà ngang 3 gian, xây gạch kiểu đầu hồi bít đốc vớicác bộ vì gỗ kiểu chồng rường hai hàng chân. Trong kết cấu trên, cột phía ngoài được làm vuông, tạo gờ ở các cạnh, hệ thống dép đỡ hoành thì làm dài, uốn theo văn mây cuôn, vương ra khoảng kông. Đữ đầu hoành có một cốn tai cột (hoặc gọi là củng đơn) trang trí hình rồng; dưới xà ngang là hình một con ve hoặc một con sư tử có tác dụng trang trí và đỡ xà nách. Phía bên trái tam quan có một số tranh đá vẽ đề tài phong cảnh gắn trên tường. Diềm lá tàu được chia thành những ô trang trí: ô thì khắc thơ, ô thì hoạc phong cảnh, có ô lại là hình hoa lá…

Qua một khoảng sân rộng, tới phương dình. nếp nhà này được xây dựng với mục đích dùng làm nơi hội họp của bản phố. Nhà được xây kiểu chồng diêm tám mái, nhưng phần cổ diêm ở dây hầu như không nhìn thấy. Bộ khung gỗ gồm 4 cột góc đỡ đao và hai bộ vì đỡ nóc mái. Ở đây, không những hệ thống dép đỡ hoành vươn dài, mà cả những dép đỡ rường cũng vươn dai, tạo thành những tầng dép cao thấp nhấp nhô. Khoảng cách giữa xà ngang của vì với xà hạ được gắn đôi sư tử hướng mặt vào trong. Nét đặc biệt trong kết cấu kiến trúc của toà nhà này là việc sử dụng hệ “củng ba phương” để đỡ bốn góc mái. Kết cấu này được kết hợp bởi ba thanh xà ngắn ăn từ đầu cột góc, một vương ra dỡ mái, môt đỡ hàng xà cuối cùng, và một chạy theo chiều ngang. Phần cuối của xà đều có hình búp sen thả xuống tạo nên một thể đối trọng để đỡ phần kiến trúc mái. Phần cột đỡ các vì, có một bẩy ngang, được tạo hình một con rồng với đặc trưng rõ nét của nghệ thuật thời Nguyễn. Hệ thống cột ở đây được làm kiểu cột bát giác, tạo các cạnh gờ.

Nối phương đình với hậu cung là một mái cong (vỏ mái cua), phần này gồm hai ván mê dày, được chạm kín toàn bô bề mặt với các hình rồng, hoa lá.. bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi.

Hậu cung nằm phía sau phương đình. Nhà xây gạch, ba gian kiểu đầu hồi bít đốc. Bốn bộ vì ở đây được làm theo lối “chồng kẻ biến thể năm hàng chân”. Hai vì hồi chỉ còn lại một cột quân của nửa vì sau, còn lại đều trốn cột. Hai vì giữa được làm đủ năm cột. Kết cấu vì nóc của các vì này là kiểu “chồng rường con nhị” với hai thành rường nhô lên. Nối các cột cái và cột quân là một kẻ dài, cong , vẫn thường gặp trong các kiến trúc tôn giáo truyền thống Việt Nam. Cái khác ở đây là lối rải hoành theo kiểu “thượng tứ hạ tứ” và sự nâng chiều cao của kiến trúc một các rõ rệt. Các ban thờ được bài trí chạy ngang theo lòng nhà. Chính giữa là ban thờ Thiên Hậu với một pho tượng lớn được đặt trong khám gỗ chạm trổ cầu kỳ, phía trên treo biển gỗ lớn ghi các đời sắc phong cho Thiên Hậu.

Phía sau và hai bên khối kiến trúc trên, là phần kiến trúc gạch xây hai tầng, mang phong cách kiến trúc Pháp. tước khối nhà này treo một bức hoành phi có 4 chữ Hán lớn: “Phúc Kiến học hiệu” . Hiện nay, các diện tích này được sử dụng làm lớp học cho trường tiểu học Hồng Hà.

Description: Hội quán Phúc Kiến 1

Vậy là, đến với di tích, ta vừa thấy quen, vừa thấy lạ. Quen với kiểu kết cấu kiến trúc, các các hoạ tiết trang trí rồng mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; lạ với những hàng dép đỡ hoành vươn dài, với các bức tranh đá gắn trước tam quan, với những câu thơ khắc trên tàu mái, với những chiếc cột có góc tạo gờ và với cả một khoảng không cao, rộng tại nhà hậu cung. Những yếu tố kiến trúc “quen” và “lạ” ấy được kết hợp nhuần nhuyễn để cùng tôn đẩy thêm vẻ đẹp của kiến trúc tôn giáo truyền thống.

Hôi quán Phúc Kiến là di tích mang giá trị lịch sử, có ý nghĩa trong việc nghiên cứu lịch sử Thủ đô, đặc biệt là về kinh thành Thăng Long và khu phố cổ Hà Nội. Tấm bia “Phúc Kiến hội quán hưng sáng lục” niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817) không chỉ phản ánh niên đại ra đời của di tích, mà hơn thế nữa, nó còn cho biết khu vực này vốn thuộc khu phía đông của hoàng thành Thăng Long thời Lê, và đã được mở mang trở thành một phàn của khu phố cổ Hà Nội ngay từ đầu thế kỷ XIX, sau khi nhà Nguyễn phá huỷ hoàng thành Thăng Long để xây thành Hà Nội.

Sự hiện diện của hội quán Phúc Kiến và hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm) ngoài giá trị làm phong phú thêm hệ thống các di tích lịch sử vản hoá trong khu vực này, còn ghi nhận sự tồn tại và vai trò của cộng đồng người Hoa trong lịch sử của khu phố cổ Hà Nội. Và, không chỉ có vậy, tới địa chỉ này, khách thăm sẽ được chiêm ngưỡng một nghệ thuật, một kiến trúc Việt - Hoa đan xen, hoà quyện. Đây sẽ là một điểm tham quan hấp dẫn đối với những người yêu mến lịch sử Hà Nội.

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?