Văn hóa- Xã hội
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 10 năm đón nhận Bằng Di tích lịch sử Văn hóa Đình Đông Thành, chiều ngày 9/10/2024, UBND phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm hóa nhật Đức Thánh tổ Huyền Thiên Thượng Đế và thực hiện nghi lễ Rước nước từ Hoàng Thành thăng Long về đình Đông Thành.
Dự Chương trình, về đại biểu Thành phố có các đồng chí: Đinh Hồng Phong – Phó giám đốc Sở Lao động TB&XH; Vương Hương Giang – Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm có các đồng chí: Vũ Đăng Định – TUV, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận; Nguyễn Quốc Khánh – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Phạm Tuấn Long – Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; cùng dự có các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND quận; các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội quận. Về phía phường Hàng Bồ có các đồng chí: lãnh đạo Đảng ủy, UBND, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Hàng Bồ; các đồng chí cán bộ và đông đảo Nhân dân phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đình Đông Thành nằm tại địa chỉ số 7 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đình còn được biết đến với tên gọi Đình Hàng Vải, nơi thờ Đức Thánh tổ Huyền Thiên Thượng đế. Xưa kia nơi đây vốn là ngôi đình chung của 2 thôn Đông Thành và Đông Thành Thị. Đến đời Minh Mạng (1820 - 1840), 2 thôn sáp nhập thành làng Đông Thành.
Đình Đông Thành là một di tích văn hóa, tín ngưỡng, Đình không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là biểu tượng tinh thần, văn hóa của cộng đồng người dân Hà Nội. Các công trình kiến trúc hiện nay của ngôi đình được tập trung trong một không gian khép kín, bao gồm: Nghi môn, Tiền tế, Ống muống và Hậu cung, hợp thành hình chữ Công. Tại nơi đây lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng trong hành trình giữ nước và dựng nước của dân tộc, có sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại với nhiều di vật quý báu như: Tượng thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng; 8 tấm bia đá thời Nguyễn ghi lại quá trình xây dựng, trùng tu và những người công đức; 9 đạo sắc phong sớm nhất là đạo sắc niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1924), cũng nhiều hoành phi, câu đối… Vào mùa đông năm 1946, quân dân Hà Nội đã sử dụng đình làm một trạm cứu thương của Liên khu I, góp phần làm nên chiến công 60 ngày đêm, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc ở Thủ đô Hà Nội.
Nhiều hoạt động văn nghệ diễn ra tại lễ hội năm nay tại Đình Đông Thành
Ở vị trí giữa trung tâm khu phố cổ Hà Nội với kiến trúc đặc biệt, nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước, đình Đông Thành là một điểm du lịch hấp dẫn, là nơi mà du khách thập phương, nhất là thế hệ trẻ có thể tìm về để hiểu rõ hơn về nguồn cội dân tộc, về những nét văn hóa truyền thống, những giá trị của di sản để cùng nhau gìn giữ, phát huy.
Ông Lê Minh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ, chia sẻ: "Những nghi lễ độc đáo tại đình Đông Thành có thể trở thành điểm thu hút du lịch, tạo nên những trải nghiệm thú vị, mang đậm nét văn hóa bản địa cho du khách trong và ngoài nước. Bảo tồn Đình Đông Thành không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn kiến trúc và các nghi lễ, mà còn có thể trở thành một phần trong chiến lược phát triển kinh tế thông qua du lịch văn hóa. Việc quảng bá giá trị lịch sử và văn hóa của đình sẽ thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng địa phương".
Sự kiện dâng hương và rước nước được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn quận tham gia. Thông qua việc tổ chức các sự kiện tại đình đã phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ tới bà con, du khách trong và ngoài nước về văn hoá đặc sắc của người dân Việt Nam. Qua đó góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian khu phố cổ Hà Nội; đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Nghiên cứu tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm”, Chương trình số 05 ngày 6-8-2021 của Quận ủy Hoàn Kiếm về “Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch văn minh, phát triển toàn diện”.